Thực phẩm tác động trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người tiêu dùng nên thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đang là mối lo ngại của từng gia đình. Nông sản được kiểm soát tốt về chất lượng, đến nay, vẫn chưa thực sự đến tay người tiêu dùng.
Cũng như nhiều người nội trợ, chị Nguyễn Thị Vân Hải, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, không có nhiều thời gian mua sắm để chuẩn bị cho bữa ăn gia đình. Ngoài những ngày cuối tuần đi siêu thị, ngày thường chị ghé các chợ cóc bên đường để mua rau, quả về ăn dù không hề yên tâm về chất lượng.
Chị Hải, chia sẻ: “Thực phẩm bán tràn lan trên thị trường rất nhiều hàng giả, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn. Rau phun thuốc 2, 3 hôm là đã cho dân ăn rồi. Thịt thì toàn nuôi bằng tăng trọng, ăn vào rất dễ gây ung thư không đảm bảo sức khỏe cho mọi người.”
Chị Hải bày tỏ mong muốn các cấp các ngành kiểm tra chặt chẽ các cơ sở kinh doanh để đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực tế cũng cho thấy phần lớn người dân thường xuyên mua các loại thực phẩm, rau củ về sử dụng nhưng cũng không nắm rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Anh Phạm Mạnh Dũng, phường Hồng Hà, TP Hạ Long tâm sự: “Khi xem ti vi nói nhiều về các chất trong thực phẩm gây ung thư, tôi cũng thấy sợ quá, nhưng mua ở chợ thì cũng chỉ biết nghe người bán nói là nhập hàng ở chỗ này, chỗ kia, chứ sự thật như thế nào thì tôi cũng không biết.”
Đối với nhiều người tiêu dùng hiện nay, công cụ nhận biết, lựa chọn thực phẩm “an toàn” chỉ là qua mắt nhìn và theo cảm tính. Trong khi, thực tế chất lượng thực phẩm ra sao thì có lẽ chỉ người bán, người sản xuất mới nắm được. Xuất phát từ thực tế này, để công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện hiệu quả, đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng thì việc tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ là yêu cầu rất cần thiết.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của người dân trong việc nhận biết những dấu hiệu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm để lựa chọn được thực phẩm an toàn là vô cùng quan trọng.
Rau được bày bán tại các chợ hầu hết đều nhập từ các khu rau tư chưa được cơ quan chức năng nào kiểm tra về chất lượng.
Rất nhiều người dân khi được hỏi đều không biết rõ, hoặc không nắm chắc về nguồn gốc, xuất xứ các thực phẩm mà mình vẫn sử dụng hàng ngày.
Chị Trần Thị Anh, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, cho biết, bây giờ rau quả đa phần là ngâm hóa chất nên sau khi mua về chị phải ngâm muối rất lâu để loại bớt chất độc hại. Ngay cả qủa cũng thế, để bao nhiêu tháng cũng không thấy thối. Chị Anh băn khoăn về cách lựa chọn rau củ sạch: “Kỹ lưỡng lắm cũng chỉ nhìn xem thực phẩm còn tươi không, còn hạn sử dụng không, hay đơn giản là quen mua ở hàng nào thì cứ hàng ấy mà chọn chứ đâu có gì làm đảm bảo…”.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOV, đa số các loại rau an toàn được bày bán ở các siêu thị, số còn lại được bán ở các cửa hàng rau an toàn của các doanh nghiệp chứ chưa đến được các chợ đầu mối. Người tiêu dung lại thường có thói quen đi chợ ở nơi gần nhất và mua trên đường đi làm về, mua theo kiểu “tiện thể” thay vì đi vào siêu thị hay đến các cửa hàng rau an toàn để mua rau.
Người tiêu dùng đang mâu thuẫn giữa chính lời nói và hành động của họ. Người tiêu dùng tin vào lời khuyên của người quen hoặc người bán rau quen thuộc nên họ chỉ kiểm tra vẻ bề ngoài của rau để xem có phải là rau an toàn không.
Thế nhưng theo tiểu thương ngành hàng thực phẩm tại chợ Hạ Long cho biết rau nhập tại chợ đa số đều được phun thuốc trừ sâu, không được kiểm định nhưng vẫn nghĩ nó an toàn khi ăn.
Bà Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương tại Hạ Long cho biết bà nhập rau ở Bãi Muối - khu phố Đoàn Kết (phường Hà Lầm, thành phố Hạ Long). “Dân người ta trồng thì có phun thuốc sâu, nhưng phun thì 1 tuần nên rau rất an toàn. Còn kiểm chứng thì chưa có cơ quan nào kiểm chứng cả,” bà Hoa nói.
Vườn rau sạch theo tiêu chuẩn Vietgap chưa đáp ứng đủ cung cấp lượng rau sạch cho các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhiều sản phẩm nông sản đến tay người tiêu dùng vẫn chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì khó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản từ sản xuất ban đầu cao do dư lượng chất bảo vệ thực vật trong rau, quả. Mặt khác, ý thức của các hộ kinh doanh và người tiêu dùng về trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng và sức khỏe chính mình còn hạn chế, nên các sản phẩm nông sản không an toàn vẫn có "đường" đến tay người tiêu dùng và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, tính mạng.
Hiện nay, công tác thống kê, kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm chiếm tỷ lệ thấp. Việc xử lý các vi phạm còn chưa nhiều và thiếu triệt để. Vì vậy, công tác cảnh báo, dự báo, truyền thông về mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ngày càng có nhiều hộ gia đình tự trồng rau cho mình, tự tạo những vườn rau riêng trong các thùng xốp. Ở các vùng trồng rau, người trồng rau trồng tách riêng rau ăn cho gia đình mình và rau để bán. Điều này chứng tỏ người trồng rau biết sự nguy hiểm của việc dùng chất bảo vệ thực vật và các loại chất khác để trồng rau nhưng họ vẫn làm.
Đây mới chỉ là trồng rau, còn các loại thịt, cá và sản phẩm nông sản khác có lẽ cũng cùng chung thực trạng này. Đây thật sự là điều rất đáng lo ngại, và ai là người phải chịu trách nhiệm việc này? Trong khi người dân vẫn phải chịu sự mất an toàn thường nhật từ nguồn thực phẩm./.
Nhóm PV/VOV - Đông Bắc